Da Nang Resorts & projects
Cung đường chạy dọc ven biển từ bán đảo Sơn Trà vào Ngũ Hành Sơn thuộc thành phố Đà Nẵng dài 23,4km đang được mở rộng thành 4 làn xe, hiện ra như dải phân chia dải cát ven biển với khu dân cư bên trong. Song hành với tốc độ làm đường hối hả là những cột mốc phân lô chen dày các bảng phối cảnh của các dự án resort dựng lên phía khu đất ven biển. Như vậy, sau này về phía biển sẽ có vệt resort dài dằng dặc nhưng chỉ dành riêng cho những thượng khách…
Công trường khu du lịch sinh thái trong khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đang làm giảm vẻ đẹp của khu bảo tồn.
Trước đây, khu resort 5 sao Furama đầu tiên của Đà Nẵng hình thành, chỉ cách mép nước biển một bãi cát vài chục mét là dấu hiệu bắt đầu cho làn sóng lấn biển của các resort. Nó đồng thời cũng báo hiệu sự phân cách bờ biển với cộng đồng dân cư. Khu du lịch Furama đã phân định “lãnh địa” của mình với thế giới bên ngoài bằng một chòi canh và biển báo không cho người ngoài vào địa phận của mình! Cơn lốc resort còn được thể hiện dữ dội hơn khi TP Đà Nẵng “bàn giao” 2 bãi biển đẹp nhất là bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn cho các nhà đầu tư resort. Tại bán đảo Sơn Trà, chính quyền đã quy hoạch 2.200ha đất thành khu đô thị du lịch. Dự án lớn nhất là Resort & Spa Sơn Trà, có vốn đầu tư 650 tỷ đồng, thuộc khu vực Bãi Nam và Bãi Con.Resort & Spa Sơn Trà có diện tích 14ha đất và 20,8ha mặt nước biển, sẽ xây dựng một khách sạn 5 sao, 200 biệt thự và các khu giải trí trên biển. Điều đặc biệt là Resort & Spa Sơn Trà nằm giữa khu rừng nguyên sinh và bãi biển! Một số dự án kế tiếp là Bãi Trẹm, Bãi Bụt, Bãi Tiên Sa, Bãi Bắc… Con đường ven biển bắt đầu từ Bãi Nam đến Bãi Bụt dài 6km - xuất phát từ góc biển thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - đã được phủ kín các dự án xây dựng resort! Giờ đây, khi trở lại Khu du lịch Bãi Bụt do Công ty Hải Duy làm chủ đầu tư, người ta cảm thấy xót xa khi những công trình bê tông, đường sá xây dựng ủi thốc đi cây rừng và phong cảnh thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp. Tiếp theo đó, bãi biển thuộc khu di tích Ngũ Hành Sơn cũng được tiến hành phân lô. Đó là dự án Paradise rộng 120ha do Công ty Magnum Investment làm chủ, đầu tư 24 triệu USD xây dựng thành “biệt khu” resort cao cấp. Tiếp theo là 3 khu resort 100% vốn đầu tư nước ngoài gồm Silver Shore (86 triệu USD), Millenium Group (60 triệu USD), Vegas (12 triệu USD) đã được UBNDTP Đà Nẵng cấp giấy phép. Ngoài ra, 2 dự án du lịch khác vốn đầu tư trong nước cũng đã được cấp phép xây dựng… Nối tiếp địa phận Quảng Nam, con đường ven biển dài gần 20km từ Điện Dương, Điện Ngọc vào đến Hội An đã nối đuôi nhau những resort. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam cho biết, đất ven biển của Quảng Nam cơ bản đã hết, nhiều nơi chưa giải tỏa xong nhưng nhà đầu tư nộp hồ sơ chờ sẵn! Riêng khu vực Cửa Đại, những doi cát ven biển đã trở thành “thánh địa” cho 20 khu du lịch biển 4-5 sao! Theo một cán bộ địa phương, vì tốc độ phát triển ào ạt của các khu nghỉ dưỡng resort đã nâng tổng cộng cơ sở lưu trú lên trên 2.000 phòng, mở ra thời kỳ khủng hoảng thừa!
---
Những ngôi nhà không giống ai đang được "khẩn trương" xây dựng
Một con đường mới tinh khôi dài hơn 60km, bốn làn đường, chạy ven bờ biển từ cửa nam hầm đèo Hải Vân vòng sang bán đảo Sơn Trà, bao quanh thành phố Đà Nẵng, nối liền thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, chạy thẳng vào Cửa Đại - phố cổ Hội An đến nay đã nên hình dáng.
Và dù chưa hoàn tất nhưng con đường đã thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch. Và tất nhiên, từ ngày còn trên bản vẽ nó đã nằm trong tầm ngắm của những nhà đầu tư du lịch. Đường mở đến đâu các công trình mọc lên đến đó, thậm chí trước khi điện nước kịp có mặt: Tổ hợp du lịch quốc tế 5 sao Resort & Spa Sơn Trà với tổng vốn đầu tư 650 tỉ đồng, khu du lịch Bãi Bụt của Công ty Hải Duy (300 tỉ đồng), khu du lịch Bãi Bắc của Công ty cổ phần Sơn Hải (200 tỉ đồng), khu du lịch Bãi Trẹm của Công ty Trường Phúc (50 tỉ đồng)… Ven đường biển khu Non Nước ngoài những đơn vị đến trước như Furama, nay đã có thêm nhiều dự án du lịch, như của Công ty Hoàng Anh Gia Lai (200 tỉ đồng), dự án sân golf 36 lỗ rộng 300ha của Công ty may Huy Hoàng (TP.HCM) trị giá trên 420 tỉ đồng...
Các nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn đến từ Hoa Kỳ, cũng không chậm chân: Dự án Paradise (24 triệu USD) của Công ty Magnum Investment đang xây dựng. Ba trong số các khu resort cao cấp 100% vốn nước ngoài đang triển khai hoặc đã được cấp giấy phép đầu tư là của Công ty Silver Shore (86 triệu USD), Công ty Millenium Group (60 triệu USD) và Vegas (12 triệu USD).
Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, 16km đường nối từ Điện Ngọc vào Cửa Đại - Hội An tuy không sôi động bằng nhưng cũng rất đẹp và nhiều hứa hẹn. Trước đó, du khách quốc tế đã làm quen với 20 khu du lịch biển đạt chuẩn 4 - 5 sao như Palm Garden, Beach Resort, Victoria, Pacific, Đông An... trên bãi biển Cửa Đại - Hội An.
Mỹ danh “Con đường 5 sao” dành cho đại lộ ven biển này có lẽ được gợi ý từ hàng chục dự án du lịch đẳng cấp 5 sao như thế.
Thế nhưng từ tháng 2.2005 đến nay giá trị của “Con đường 5 sao” đang bị tác động tiêu cực bởi quyết định quy hoạch của thành phố Đà Nẵng. Những “ý tưởng” quy hoạch này của lãnh đạo thành phố được giới kiến trúc đô thị, báo chí đánh giá là “bất ngờ” hoặc thẳn thắn hơn: “không giống ai”! Ấy là 2 quyết định ký vào tháng 2 và tháng 5.2005 phê duyệt quy hoạch chi tiết khu nhà hàng ven biển với hơn 40.000m2 gồm 41 lô đất rao bán, giá khởi điểm từ 10 đến 12 triệu đồng/mét vuông. Hàng chục lô đã được mua và các nhà hàng đang đua nhau mọc lên trước khi mùa mưa bão đến.
“Bất ngờ” và “không giống ai” vì chuỗi nhà hàng ấy nằm ở phía đông “con đường 5 sao”, tập trung vào khoảng đẹp nhất bờ biển thành phố Đà Nẵng, thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà. Dẫu lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng trấn an báo giới rằng sẽ khống chế không cho phép các nhà hàng vượt quá 13,5 mét chiều cao, nhưng trong thực tế chúng chẳng khác gì bức trường thành được giăng ra để vừa cắt vụn không gian vừa che tầm nhìn ra biển của du khách trên “đường 5 sao”. Và vấn đề ô nhiễm môi trường biển do hàng chục nhà hàng nằm cách mép sóng chừng 40 mét cũng đang được các nhà khoa học đặt ra.Như thế, nếu thành phố Đà Nẵng không chỉnh lý cái ý tưởng quy hoạch “không giống ai” khi chưa muộn thì nguồn lợi thu được từ quỹ đất rồi sẽ chẳng đáng là bao so với việc đánh mất nguồn vốn quý giá bao đời là vẻ đẹp của bờ biển xanh. Và tất nhiên con đường ven biển cũng hệ lụy theo. Chẳng thể nào là “5 sao” khi phải sống chung chuỗi nhà hàng “bịt mắt thu tiền” như vậy!
-----
Quy hoạch khu du lịch biển Sơn Trà lập tức được hình thành, các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường sá, hệ thống cấp điện, cấp nước nhanh chóng được triển khai, đặc biệt là việc xây cầu Thuận Phước có giá trị đầu tư hơn 570 tỷ đồng, cho thấy quyết tâm của Đà Nẵng muốn biến nơi đây thành một quần thể du lịch nghỉ dưỡng biển tầm cỡ quốc tế, sánh được với Bali (Indonesia), Phukhet (Thái-lan). Chỉ một thời gian ngắn, hàng loạt nhà đầu tư chớp thời cơ đăng ký những dự án hấp dẫn tại Sơn Trà. Đến nay đã khởi công xây dựng dự án khu du lịch Sơn Trà Resort & Spa tại bãi Nam của Công ty cổ phần Sơn Trà, vốn đầu tư 650 tỷ đồng; khu du lịch bãi Bụt của Công ty cổ phần Hải Duy, vốn đầu tư 300 tỷ đồng. Sắp tới sẽ có các khu du lịch của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn và của Công ty Trường Phúc tại bãi Trèm, của Công ty cổ phần Tiên Sa tại bãi Tiên Sa, của Công ty cổ phần Sơn Hải tại bãi Bắc... Ông Lê Văn Ánh, Trưởng phòng Đầu tư của Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết đến nay đã có sáu dự án đăng ký đầu tư ở Sơn Trà với tổng số vốn hơn 2.000 tỷ đồng. "Trong năm 2005 nhiều dự án sẽ khánh thành giai đoạn 1, chính thức khởi động quần thể du lịch quốc tế bán đảo Sơn Trà", ông Ánh nói.Còn theo ông Lương Minh Sâm, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngoài những lợi thế về thiên nhiên và cảnh quan, bán đảo Sơn Trà còn có vị trí độc đáo do nằm trên tuyến du lịch từ Huế đến Hội An và kết nối với các khu nghỉ dưỡng biển khác rất thuận lợi bằng cây cầu Thuận Phước và đường Sơn Trà Điện Ngọc, hai công trình lớn của thành phố Đà Nẵng sẽ hoàn thành cơ bản vào tháng 3-2005. So với các khu du lịch biển lân cận, Sơn Trà còn có lợi thế là nằm bên cạnh thành phố nhưng lại có rừng nguyên sinh, núi cao, suối sâu và biển rộng để phát triển các loại hình thể thao du lịch. "Trọng tâm của ngành du lịch Đà Nẵng những năm sắp tới là phát triển bán đảo Sơn Trà thành một quần thể du lịch quốc tế. Chúng tôi mong muốn và hoan nghênh các nhà doanh nghiệp đến đầu tư tại Sơn Trà”, ông Sâm nói.Đáng chú ý là tại Sơn Trà, lần đầu tiên Nhà nước cho phép thí điểm phương thức hợp vốn, theo đó chủ đầu tư các khu du lịch trên bán đảo Sơn Trà có thể huy động vốn của các nhà đầu tư thứ cấp qua việc chuyển nhượng các cơ sở dịch vụ như biệt thự, nhà nghỉ trong các khu du lịch miễn là việc xây dựng phải tuân theo quy hoạch và thiết kế đã được phê duyệt. Với phương thức này, các nhà đầu tư nhỏ, các doanh nhân có nhu cầu xây nhà nghỉ mùa hè có thể góp vốn với chủ đầu tư dự án để sở hữu một số tiện nghi trong các khu du lịch, vừa để sử dụng, vừa để kinh doanh.Điều băn khoăn còn lại đối với bán đảo Sơn Trà là làm thế nào để phát triển du lịch đồng thời bảo vệ được cảnh quan và tài nguyên lâm sinh của bán đảo bởi vì cho đến nay Sơn Trà vẫn được coi là lá phổi của thành phố Đà Nẵng, vừa là bức bình phong chắn gió bão, vừa là nguồn cung cấp nước ngọt và không khí trong lành cho thành phố. Mọi biến động về cảnh quan trên bán đảo này đều có ảnh hưởng nhất định đến môi trường sinh thái của thành phố Đà Nẵng.Hơn nữa, thành phố Đà Nẵng vừa quyết định đầu tư 70,8 tỷ đồng mở đường ra bãi Bắc - điểm xa nhất trên bán đảo Sơn Trà. Con đường rộng 10,5 m này sẽ đánh thức tiềm năng du lịch của một khu bảo tồn thiên nhiên thuộc loại hiếm ở Việt Nam.
---
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét